Ngành nào sẽ là “điểm sáng” về tăng trưởng 2023?

Ngành nào sẽ là “điểm sáng” về tăng trưởng 2023?

Lợi nhuận được dự báo tăng chậm lại ở ngành ngân hàng và suy giảm ở hầu hết các ngành có tỉ trọng vốn hóa lớn.

Trong báo cáo được công bố mới đây, FiinGroup đánh giá, trong bối cảnh vĩ mô không thuận lợi, triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp, ngân hàng niêm yết năm 2023 kém tích cực. Lợi nhuận được dự báo tăng chậm lại ở ngành ngân hàng (đóng góp 42% tổng lợi nhuận sau thuế và 30% tổng vốn hóa toàn thị trường).

Theo FiinGroup, ngành ngân hàng đối mặt nhiều thách thức hơn cơ hội, cụ thể (i) Áp lực về đẩy mạnh cho vay do thị trường bất động sản (hấp thụ 20% tổng tín dụng) gặp khó; (ii) Rủi ro NIM giảm khi lãi suất huy động tăng cao, khiến thu nhập từ lãi tăng thấp trong khi thu nhập dịch vụ không còn dồi dào như trước và (iii) Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến tăng do nhiều khoản cho vay với bất động sản có thể trở thành nợ xấu.

Trong khi đó lợi nhuận các doanh nghiệp được dự báo suy giảm ở hầu hết các ngành có tỉ trọng vốn hóa lớn như bất động sản, tài nguyên cơ bản (thép), hóa chất vì (i) chi phí vốn tăng cao, (ii) cầu tiêu dùng trong nước và thế giới suy giảm do môi trường lãi suất cao, và (ii) nghẽn “dòng tiền” trong nền kinh tế.

FiinGroup đánh giá ngành bất động sản, đóng góp 11,5% tổng lợi nhuận sau thuế và 16,7% tổng vốn hóa toàn thị trường, đang ở trong chu kỳ đi xuống và hiện có 5 yếu tố đang gây áp lực lên triển vọng lợi nhuận, bao gồm (i) Tín dụng bị thắt chặt, (ii) Hoạt động huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần như bị đóng băng sau sự kiện Vạn Thịnh Phát, (iii) Mở bán và triển khai dự án bị ách tắc do vấn đề pháp lý, (iv) Môi trường lãi suất cao khiến chi phí vốn tăng lên và làm giảm nhu cầu mua nhà, (v) Chi phí triển khai dự án tăng do áp dụng khung thuế đất mới.

“Triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có thể chuyển sang trạng thái “tích cực” hơn, theo chúng tôi, khi xuất hiện năm tín hiệu sau (i) Lãi suất huy động giảm, (ii) Dòng vốn tín dụng (bao gồm vốn vay ngân hàng và vốn huy động qua trái phiếu doanh nghiệp) được khơi thông, (iii) Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh, (iv) Tỉ giá ổn định nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp) dồi dào và (v) Xuất khẩu phục hồi”, FiinGroup nhận định.

Theo FiinGroup, điểm sáng về tăng trưởng 2023 sẽ là dược phẩm, điện (nhiệt điện), nước và công nghệ thông tin, đây là các ngành mà hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng bởi môi trường lãi suất cao.

Đối với ngành điện, FiinGroup đánh giá hiện tượng thời tiết La Nina dự kiến kéo dài đến hết tháng 2/2023 là điểm cộng lớn cho triển vọng lợi nhuận nhóm nhiệt điện (bao gồm điện khí và điện than) và là điểm trừ cho nhóm thủy điện. Ngoài ra, giá điện trên thị trường cạnh tranh dự kiến duy trì ở mức cao do chi phí đầu vào tăng lên và không còn phải cạnh tranh với nguồn thủy điện có giá chào bán thấp khi chu kỳ La Nina kết thúc. QTP, HND và NT2 là các doanh nghiệp nhiệt điện được FiinGroup kỳ vọng sẽ có triển vọng lợi nhuận tích cực trong năm 2023.

Trong khi đó, đối với ngành dược phẩm, tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế chưa thật sự đột phá trong quý III (+33,9%) chủ yếu do hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư ở các bệnh viện công gặp khó. Kỳ vọng doanh thu từ kênh bệnh viện hồi phục mạnh được xem là động lực tăng trưởng cho ngành trong năm 2023, đặc biệt là các doanh nghiệp như IMP, DTP, PBC, DHT. Mặc dù đây là ngành mà hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng trong môi trường lãi suất cao, nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu dược phẩm gần như không được dòng tiền chú ý do thanh khoản kém với tỉ lệ cổ phiếu chuyển nhượng tự do ở mức thấp.

Nguồn: NCĐT

0904922211
icons8-exercise-96 chat-active-icon