Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, khi xã hội phát triển, chúng ta đã trải qua nền kinh tế sản xuất, nền kinh tế dịch vụ, và tương lai là nền kinh tế trải nghiệm.
Vào ngày 18/11, dưới sự bảo trợ truyền thông của VCCorp, CLB các Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam và Công ty truyền thông Le Bros đã tổ chức VSMCamp và CSMOSummit 2022.
Với chủ đề “DigitalX – Trải nghiệm số trong chiến lược Sales & Marketing”, sự kiện sẽ xoay quanh 5 đề tài lớn, bao gồm: Trải nghiệm số – Từ dữ liệu lớn đến năng lực thấu hiểu khách hàng trên môi trường số; Kiến tạo trải nghiệm số bằng các công nghệ tiên phong: trí tuệ nhân tạo, AR, VR, MR, blockchain, metaverse….
Bên cạnh đó, sự kiện còn có sự góp mặt của gần 70 diễn giả, học giả, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sales và marketing tại Việt Nam và quốc tế như Chủ tịch FPT Telecom, ông Hoàng Nam Tiến, Phó tổng Giám đốc VCCorp, Giám đốc Admicro, bà Phan Đặng Trà My… thông qua 3 phiên họp toàn thể và 10 phiên thảo luận chuyên sâu.
Trong bài tham luận đầu tiên mang tên “Xu hướng trải nghiệm số – Những sáng tạo đột phá” , ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, khi xã hội phát triển chúng ta đã trải qua nền kinh tế sản xuất, nền kinh tế dịch vụ, và tương lai là nền kinh tế trải nghiệm.
“Tôi đang nói đến câu chuyện của giai đoạn 2025-2030, về nền kinh tế trải nghiệm. Mọi người đều biết khái niệm quan trọng nhất của marketing và sale đấy là segmentation, tức là phân loại và nhóm từng tệp khách hàng khác nhau”, ông Tiến chia sẻ.
“Tuy nhiên, phân loại nhóm khách hàng cũng không đủ, lúc này khái niệm ‘empathy customer’ (thấu cảm khách hàng) xuất hiện và tôi cũng không nghĩ rằng đại dịch Covid-19 lại là một sức mạnh đặc biệt để empathy customer trở thành hiện thực với một tốc độ rất nhanh”, Chủ tịch FPT Telecom nói thêm.
Ông Tiến cho hay, việc quan trọng nhất giúp gia tăng nguồn khách hàng cho doanh nghiệp chính là “cá nhân hoá” khách hàng trên nền tảng số. Hiện nay, rất nhiều các doanh nghiệp như ngân hàng lớn, các hãng hàng không, khách sạn đều cố gắng cá thể hóa từng khách hàng thay vì phân loại khách hàng thành từng nhóm.
Theo Chủ tịch FPT Telecom, câu chuyện chuyển đổi sang nền kinh tế trải nghiệm tương tự với câu chuyện chuyển đổi số đang diễn ra ở các doanh nghiệp hiện nay.
“Tôi khẳng định chưa thấy bất kỳ doanh nghiệp nào chết vì không chuyển đổi số. Tôi chỉ thấy các công ty thất bại khi làm chiến dịch chuyển đổi số mà thôi. Và từ nay đến năm 2025, những công ty không kịp chuyển đổi số còn tồn tại hay không thì chưa rõ”, ông Tiến cho hay.
“Tương tự vậy, đến năm 2030, doanh nghiệp chỉ có thể sống sót nếu đã thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế trải nghiệm ” , Chủ tịch FPT Telecom dự đoán.
Ông Tiến cho rằng, câu chuyện chuyển đổi sang nền kinh tế trải nghiệm không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng hoàn toàn có thể tiếp cận.
Câu chuyện kinh doanh của Dép Lốp là một ví dụ về việc doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế trải nghiệm. Theo đó, khi CEO Dép Lốp Nguyễn Tiến Cường bắt đầu kinh doanh sản phẩm dép cao su, sản phẩm vẫn giữ nguyên mẫu mã truyền thống. Dù sản phẩm bền, có tính lịch sử, nhưng Dép Lốp lại không có mấy khách hàng đến mua.
Sau đó, CEO Dép Lốp quyết định khắc tên riêng lên từng đôi dép theo yêu cầu. Tiếp đó, thay vì chỉ sản xuất dép thuần màu đen, Dép Lốp bắt đầu làm ra những đôi có dây màu theo thị hiếu.
“Kết quả, từ một công ty gia đình với hy vọng làm được vài trăm đôi bán là hết, Dép Lốp bây giờ còn không đủ sức sản xuất. Vậy là công ty đã chuyển từ nền kinh tế sản xuất là làm dép, bỏ qua nền kinh tế dịch vụ, đi thẳng lên kinh tế trải nghiệm”, ông Tiến phân tích.
Chủ tịch FPT Telecom cũng nhận định, nâng cao trải nghiệm khách hàng làm thay đổi hoàn toàn thị trường.
“Các doanh nghiệp cần từ bỏ lối suy nghĩ theo lối cũ và áp dụng công nghệ số. Muốn cá thể hoá được khách hàng chỉ có thể sử dụng công nghệ”, ông Tiến nhấn mạnh.
(Theo Cafebiz)