KỂ CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU NÀO CHO KHÁCH HÀNG?
Câu chuyện thương hiệu (hay Brand Story) là câu chuyện kể về thương hiệu của bạn. Nhưng phải kể những gì thì ngay cả CEO đôi khi cũng còn ấp úng…
Bạn đã nghe đến câu chuyện về một người đàn ông với người bạn thân của mình mở trụ sở đầu tiên tại garage nhà riêng? Vượt qua nhiều thử thách, đương đầu với những gã khổng lồ ngành công nghệ, thậm chí bị đuổi khỏi chính công ty mình gây dựng, rồi ông ta quay trở lại, hoàn toàn thay đổi cái cách mà con người sử dụng thiết bị di động như ngày nay.
Đúng vậy, đó chính là câu chuyện về Apple và nhà sáng lập – Steve Jobs.
Ai cũng thích nghe kể chuyện. Những cái tên có thể dễ bị lãng quên nhưng những câu chuyện hay thì sẽ luôn được ghi nhớ. Đó là lý do vì sao, một trong những bí kíp kinh doanh thành công đã được đúc kết từ chính các doanh nhân vĩ đại, là nguyên tắc: “#Đừng_bán_sản_phẩm.
Trước tiên hãy cố gắng bán một câu chuyện thật hấp dẫn”.
SELL STORY, NOT PRODUCT
MAKE BRAND, NOT A COMPANY!
Nguyên tắc G.R.E.A.T trong Brand Storytelling – Marketing: Để câu chuyện dẫn đến trái tim.
Thành công của các chiến dịch storytelling – marketing bằng cách kể chuyện phụ thuộc 05 nguyên tắc cơ bản:
– Glue: sự kết nối CÂU CHUYỆN VỚI THỰC TẾ trải nghiệm của công chúng. Đừng kể ra một câu chuyện hoang đường hay đẹp đẽ. Hãy kể một câu chuyện chân thực, nhưng có liên quan tới các yếu tố thời đại, cảm xúc, dấu ấn lịch sử, văn hoá, danh nhân … để kết nối với những tiềm thức có sẵn trong tâm trí khách hàng.
Những “tia tín hiệu” khi có cùng tần số, sẽ dễ dàng bắt sóng và giúp câu chuyện của bạn ghi dấu ấn trong trái tim công chúng.
– Reward – phần thưởng: những câu chuyện hay thường chứa những cam kết về phần thưởng xứng đáng.
Một câu chuyện hay về thương hiệu cũng vậy, hãy gắn kết câu chuyện của bạn bằng những tưởng thưởng xứng đáng cho người đọc, VD như “BẬT MÍ 5 NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG CỦA ÔNG CHỦ CHUỖI NHÀ HÀNG 15 NĂM TUỔI” – Tặng thêm cho khách hàng của bạn 1 vài bí kíp kinh doanh, một vài đúc kết từ nghệ thuật quản trị… sẽ làm cho câu chuyện của bạn hấp dẫn hơn.
Emotion – cảm xúc, sẽ là một câu chuyện tuyệt vời nếu nó tác động mạnh vào những tình cảm sâu lắng nhất của người nghe chứ không phải tư duy lý thuyết. Đừng chỉ kể câu chuyện bằng những dấu mốc lịch sử khô khan. Hãy lấy ra trong những dấu mốc đó những trường đoạn thăng trầm, gồm mồ hôi, nước mắt, có thể cả máu.
Những tiêu chí có tác động thẳng vào cảm xúc của con người, gồm có: Sự chân thành, Nỗi đau, Sự bất ngờ vượt trí tưởng tượng, Hài hước, Tình yêu. Khai thác các yếu tố này sẽ giúp các bạn xây dựng một câu chuyện thương hiệu chứa nhiều cảm xúc.
Authentic – tin cậy: một câu chuyện tốt trước hết phải là một câu chuyện đáng tin. Đừng tô vẽ và “làm màu” cho câu chuyện của bạn, trừ phi nó đích thực lấp lánh như vậy. Không phải doanh nghiệp nào cũng có những câu chuyện bất ngờ, chứa cảm xúc.
Trong trường hợp đó, hãy chia sẻ về lý do bạn lựa chọn con đường đã đi qua, những sự hy sinh của bạn và đồng đội, những tháng ngày đã trải qua, những dấu mốc thành công đầu tiên. Tất cả đều có ý nghĩa, ít nhất là truyền động lực, cảm hứng cho chính Bạn và Nhân viên.
Target – mục tiêu: thành công của storytelling marketing bằng cách kể chuyện chỉ có được nếu câu chuyện được phát triển phù hợp với nhóm người nghe. Câu chuyện kể cho nhân viên trong tổ chức sẽ cần có những hướng đi khác với câu chuyện kể cho một nhóm công chúng.
Câu chuyện muốn “đốn tim” khách hàng là người tiêu dùng sẽ phải hoàn toàn khác câu chuyện dành cho khách hàng là các chủ doanh nghiệp. Trước hết, hãy chọn 1 nhóm công chúng mục tiêu rõ ràng, sau đó mới đến việc bạn sẽ viết nên câu chuyện của mình.
Đừng nghĩ rằng chỉ doanh nghiệp lớn mới có những thành tựu để viết brand story. Dù chỉ là một doanh nghiệp nhỏ SMEs, bạn cũng sẽ tìm ra một điều thú vị nào đó để nói, để kể, để mang thương hiệu lại gần hơn với khách hàng.
Đâu phải tự nhiên mà hầu như fanpage hay website nào cũng đều có mục Our Story? Đó cũng là một cách để bạn khởi đầu câu chuyện.
(Nguồn: Đặng Thanh Vân )