Công nghệ trí tuệ nhân tạo – ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ chẩn đoán, theo dõi bệnh lý, đồng thời, tránh được những sai sót của con người ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân và tối ưu chi phí cho cơ sở y tế, cùng với đó, giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và lợi ích
Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng cách sử dụng các thuật toán và phần mềm phức tạp hay đơn giản gọi là trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng nhận thức của con người trong việc phân tích, giải thích và hiểu các dữ liệu y tế và chăm sóc sức khỏe phức tạp. Các thuật toán máy tính có khả năng hỗ trợ đưa ra kết luận gần đúng mà không cần con người nhập liệu trực tiếp. AI thực hiện điều này thông qua các thuật toán học máy và học sâu (1).
Theo CB Insights, 86% các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các công ty khoa học đời sống và các nhà cung cấp công nghệ chăm sóc sức khỏe sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. CB Insights ước tính các công ty sẽ chi trung bình 54 triệu đô cho các dự án AI vào năm 2020, Frost & Sullivan dự kiến AI sẽ tạo ra khoản tiết kiệm hơn 150 tỷ đô la cho ngành chăm sóc sức khỏe vào năm 2025 (2).
Lợi ích trí tuệ nhân tạo mang lại
Điểm khác biệt của ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo so với các công nghệ truyền thống trong chăm sóc sức khỏe là khả năng thu thập thông tin, xử lý thông tin và đưa ra kết quả được xác định rõ ràng cho người dùng.
Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được phát triển và áp dụng vào các quy trình chẩn đoán, quá trình điều trị, phát triển các sản phẩm, cá nhân hóa trong theo dõi và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế vẫn luôn tìm kiếm và đưa vào các phần mềm AI để hỗ trợ hoạt động vận hành nhằm tiết kiệm chi phí, cải thiện sự hài lòng của bệnh nhân và đáp ứng nhu cầu về nhân sự và lực lượng lao động của họ.
Trí tuệ nhân tạo có khả năng tác động lớn và tích cực đối với cả các y bác sĩ và bệnh nhân trong việc chăm sóc sức khỏe. Các ứng dụng AI đem đến một số lợi ích như: hỗ trợ chẩn đoán nhanh chóng và chính xác hơn cho nhiều bệnh lý, giảm thiểu nhiều sai sót của con người mà có thể đe dọa đến sự an toàn của bệnh nhân, cắt giảm chi phí cho các cơ sở y tế cũng như cho bệnh nhân khi họ có thể sử dụng các ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, chăm sóc trực tuyến hay các trợ lý ảo thay vì cần trực tiếp đến các cơ sở y tế.
Một số nghiên cứu ứng dụng thực tế trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe
AI hỗ trợ chẩn đoán bệnh
Sai sót xảy ra trong quá trình chẩn đoán còn chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng số sai sót trong lĩnh vực y tế, những sai sót này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới bệnh nhân. Trí tuệ nhân tạo đã và đang được ứng dụng trong chẩn đoán bệnh, đặc biệt trong chẩn đoán ung thư giúp có được kết quả nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.
Watson của IBM ứng dụng học máy vào hỗ trợ phân loại các khối u theo loại di truyền, cho phép bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất với căn bệnh của bệnh nhân. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp giảm 78% thời gian sàng lọc thử nghiệm lâm sàng từ 1h50p xuống còn 24 phút, với kết quả chẩn đoán đạt tỷ lệ phù hợp tới 96% cho ung thư phổi, 81% với ung thư đại tràng và 93% với các trường hợp ung thư trực tràng theo nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư toàn diện Manipal ở Bangalore, Ấn Độ (4).
Một ví dụ khác có thể nhắc đến là Ultromics – được phát triển bởi Bệnh viện John Radcliffe ở Anh – nền tảng chẩn đoán hỗ trợ bởi AI giúp chẩn đoán các bệnh về tim một cách chính xác hơn so với bác sĩ. Hay công ty Optellum đang phát triển hệ thống AI cho chẩn đoán ung thư phổi bằng cách phân tích các cụm tế bào được phát hiện qua ảnh chụp. Hay ông lớn Google phát triển hệ thống AI xác định chính xác các dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt trong sinh thiết.
AI ứng dụng trong chụp X-quang
Ứng dụng AI với khả năng giải thích kết quả hình ảnh X quang có thể hỗ trợ phát hiện những thay đổi nhỏ trong hình ảnh mà bác sĩ lâm sàng có thể vô tình bỏ sót.
Một ví dụ của việc ứng dụng này là hệ thống Aidoc được phát triển làm việc cùng bác sĩ X-quang trong chẩn đoán, đánh dấu tình trạng xuất huyết nội sọ cấp tính (ICH) hoặc tình trạng chảy máu não trong chụp CT. Hệ thống giúp các bác sĩ X quang và bệnh viện ưu tiên chăm sóc bệnh nhân, phát hiện các bất thường cấp tính trong cơ thể bệnh nhân một cách nhanh chóng. Tính đến 8/2020 Aidoc đã có 3.522.164 hình ảnh được quét phân tích, 880.540 thông báo được gửi, 582.007 trường hợp được ưu tiên chữa trị, 3.582.031 phút được tiết kiệm cho thời gian quay vòng (5). Khi so sánh hệ thống Aidoc với quy trình thực hiện First in first out (FIFO), hệ thống Aidoc giúp giảm 60,3% thời gian để bệnh nhân có thể được chụp X quang và nhận báo cáo chẩn đoán.
Bên cạnh đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng đã được nghiên cứu ứng dụng giúp các bác sĩ X quang cải thiện độ chính xác trong phát hiện ung thư vú. Việc chẩn đoán hình ảnh phụ thuộc nhiều vào mật độ mô tuyến vú nếu mật độ này dày sẽ có thể ảnh hưởng đến khả năng chẩn đoán của bác sĩ còn với chẩn đoán bằng AI thì không. Độ nhạy khi phát hiện ung thư vú chỉ riêng AI cho thấy phát hiện được 88.8%, trong khi chỉ riêng bác sĩ X-quang phát hiện 75,3% và khi bác sĩ X-quang có sự hỗ trợ bởi AI thì độ chính xác đạt 84.8% tăng 9,5% (6).
Chatbot sử dụng công nghệ AI
Chatbot y tế có thể hoạt động như một người hướng dẫn cùng khả năng nhận dạng giọng nói, hỗ trợ bệnh nhân tự kiểm tra tình trạng bản thân so sánh các dấu hiệu bệnh, cung cấp cho người sử dụng những thông tin y tế chính xác nhất.
Một số ứng dụng Chatbot cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như: Ada – ứng dụng giúp người dùng có thể hỏi bot về các triệu chứng của họ để chủ động quản lý sức khỏe bản thân và liên kết với các chuyên gia y tế để cung cấp các dịch vụ chăm sóc hiệu quả; Symptomate – một chatbot từ Infermedica có khả năng lắng nghe bệnh nhân, và tìm ra các nguyên nhân có thể gây nên các triệu chứng người dùng gặp phải và phân tích chúng để cung cấp cho người dùng đánh giá chính xác về tình hình sức khỏe của họ cũng như đưa ra cách chăm sóc phù hợp.
Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới, chatbot AI đã được đẩy mạnh ứng dụng. Chính phủ Ấn Độ đã cho ra mắt một ứng dụng Chatbot với tên gọi “MyGov Corona Helpdesk” giúp người dùng nắm được các thông tin chính xác về đại dịch Covid-19. Sau hơn 10 ngày ra mắt ứng dụng, đã có hơn 21 triệu người sử dụng và đã đăng ký trên 30 triệu cuộc trò chuyện (7).
Bên cạnh những ứng dụng trị tuệ nhân tạo vừa đề cập đến trên, các ứng dụng robotics trên nền tảng AI cũng đang góp phần hỗ trợ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Một số ví dụ bao gồm: sử dụng robot Xenex hỗ trợ trong các cuộc phẫu thuật nhằm giảm khả năng nhiễm trùng; Veebot là một robot thực hiện nhiệm vụ rút máu cho xét nghiệm y tế; robot thực hiện cấp phát thuốc hay khử trùng phòng bệnh. Đặc biệt, tại Ấn Độ nhiều bệnh viện sử dụng robot hình người để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ không ngừng phát triển giúp cuộc sống và các lĩnh vực phục vụ cuộc sống trở nên đơn giản thuận tiện hơn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy lợi ích và các ứng dụng từ trí tuệ nhân tạo cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng mở rộng. Các cơ hội phát triển không nhỏ nhưng sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực từ các cơ sở, đơn vị liên quan. Tiến tới công nghệ hóa hiện đại hóa ngành y tế, các cá nhân, tổ chức trong ngành cần tận dụng tốt các cơ hội phát triển từ công nghệ đặc biệt là từ trí tuệ nhân tạo cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Nguồn tham khảo:
(1) Wikipedia. N.d. Artificial intelligence in healthcare.
(2) Pharmalimes online. 2018. AI has arrived.
(3) Healthcare IT News. 2017. Healthcare AI poised for explosive growth, big cost savings.
(4) Ciccion PR Newswire. 2017. At ASCO 2017 Clinicians Present New Evidence about Watson Cognitive Technology and Cancer Care.
(5) Aidoc. 2020. Aidoc.
(6) Healthcare IT News. 2020. AI helps radiologists improve accuracy in breast cancer detection with lesser recalls.
(7) ht Tech. 2020. Mumbai-based Haptik which developed India’s official WhatsApp chatbot for Covid-19.
Nguồn: FPT Digital