Thương hiệu nhà tuyển dụng – 3 “key points” quan trọng nhất phải nhớ

Thương hiệu nhà tuyển dụng – 3 “key points” quan trọng nhất phải nhớ

Thương hiệu nhà tuyển dụng – 3 “key points” quan trọng nhất phải nhớ
Các công ty lớn nhỏ ngày càng khó tuyển dụng nhân sự giỏi. Việc tìm kiếm nhân sự nên bắt đầu trước khi đăng tuyển dụng trên các trang head-hunter hoặc post trên Facebook.
Khái niệm thương hiệu nhà tuyển dụng (Employer Brand) được đưa ra từ giữa những năm 1990. Thương hiệu nhà tuyển dụng được hiểu là uy tín thương hiệu công ty dưới tư cách là nhà tuyển dụng thay vì chỉ dừng lại tên tuổi của một doanh nghiệp trên thị trường. Theo một bài viết trên tạp chí Harvard Business Review, từ giai đoạn những năm 2000 đề tài xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng trở nên được quan tâm đặc biệt khi các tập đoàn lớn như Unilever, Shell hay P&G đã áp dụng các chương trình bài bản xây dựng thương hiệu của họ với tư cách là nhà tuyển dụng trên thị trường tuyển dụng giống như họ đã làm để xây dựng thương hiệu công ty trên thị trường tiêu dùng truyền thống.
Một thương hiệu công ty mạnh là điểm thu hút. Nhưng chưa phải quyết định tất cả đến khả năng thành công của một thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn. Làm việc cho một công ty có tên tuổi mới chỉ đáp ứng một trong nhiều tiêu chí của người đi tìm việc. Ví dụ sự phù hợp về tư chất người sáng lập, đội ngũ quản lý – những nhân tố chủ yếu hình thành cái gọi là văn hoá doanh nghiệp. Nhiều người không bỏ tổ chức. Họ bỏ những cá nhân của tổ chức nhiều hơn (có thể CEO, trưởng phòng, đội ngũ cộng sự cùng phòng ban) lệch pha về thế giới quan, về quan niệm công việc, cuộc sống. Không hiếm chủ doanh nghiệp giỏi lôi kéo người giỏi. Nhưng họ lơ là việc tạo dựng một môi trường văn hoá doanh nghiệp phù hợp để người giỏi trổ tài và quan trọng hơn, cảm thấy họ là một phần máu thịt của tổ chức. Một tổ chức, bất kể quy mô nào, đều cần đội ngũ cộng sự tâm huyết hiền tài. Hiền tài quý hiếm hơn nhân tài nhiều lần. Lãnh đạo có thể lôi kéo ngôi sao. Nhưng hiền tài chỉ có thể đến và ở lại khi có cùng hệ giá trị văn hoá doanh nghiệp phù hợp.
 Với thương hiệu công ty hay thương hiệu tiêu dùng, mục tiêu là hình ảnh hấp dẫn (a good brand image) đối với khách hàng. Thương hiệu nhà tuyển dụng hướng tới xây dựng uy tín (a good brand reputation) đối với các ứng viên và nhân viên hiện tại.
Với thương hiệu nhà tuyển dụng có 3 key points quan trọng để xây dựng uy tín.

 {1} Cách tiếp cận: Thu hút thay vì lôi kéo!

Lôi kéo (bằng thu nhập, lương thưởng, quyền lợi) là cuộc chiến mệt mỏi. Đối đãi vật chất là nên cho đóng góp tương xứng. Chính sách lương thưởng, quyền lợi vật chất v.v… đương nhiên quan trọng. Nhưng để vui và có động lực mỗi ngày đi làm, con người ta cần nhiều hơn thế.

{2} Cấu trúc nội dung để xây dựng uy tín (reputation)

Nhân sự giỏi, đặc biệt cấp quản lý cao cấp thường có nhu cầu cao về giá trị tinh thần. Phát triển bản thân, được sống đúng với niềm tin cốt lõi của bản thân tại nơi làm việc là một ví dụ. Đây là lý do tầm nhìn phát triển và hệ giá trị cốt lõi của tổ chức là những yếu tố rất quan trọng với họ. Nói “thu hút” thay vì “lôi kéo” ở mục {1} ở trên vì lý do này.
“Tôi luôn nói về văn hoá của câu lạc bộ và đó là ưu tiên số một. Bạn cần thể hiện tinh thần văn hoá của những người không chấp nhận thất bại, thấy tổn thương khi thất bại. Một văn hoá kỷ luật” – Rio Ferdinand, cựu cầu thủ câu lạc bộ Manchester United.

{3} Nuôi dưỡng đội ngũ hiền tài

Tại sao lãnh đạo cô đơn? Vì họ không có người để chia sẻ. Nhân sự ngôi sao có thể hoàn thành công việc xuất sắc. Nhưng có những điều, chỉ những người cùng hệ giá trị mới có thể đồng cảm lắng nghe. Người giỏi đã hiếm. Người phù hợp còn hiếm hơn.
Một thay đổi rất dễ nhận ra là hiện nay khá nhiều thương vụ tuyển dụng thành công không còn đi theo cách truyền thống như trước. Nhiều điểm hẹn lý tưởng giờ đây có thể là workshop, các cộng đồng hội nhóm trên Facebook, các lớp học chuyên sâu ngắn hạn. Không hiếm trường hợp học viên nghỉ học để chuyển sang một công ty phù hợp hơn có lãnh đạo chính là đồng môn trong lớp. Lãnh đạo đi học kết hợp săn người. Nhân viên đi học kết hợp ngó nghiêng tìm cơ hội tốt hơn. Có thể chỉ qua cách một CEO đứng lên phát biểu ý kiến tại một workshop chuyên môn đã là một bài PR không chính thống về uy tín thương hiệu nhà tuyển dụng của mình. Cách một lãnh đạo chia sẻ các bài viết đơn thuần là quan điểm cá nhân về cuộc sống cũng là một hình ảnh gián tiếp anh ta sẽ xây dựng văn hoá doanh nghiệp của mình như thế nào. Việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng thời đại 4.0 diễn ra khắp mọi điểm chạm giao tiếp. Chính thức & không chính thức. Cả online lẫn offline.
Chỉ khi nào lãnh đạo cao nhất trực tiếp dẫn dắt mới hy vọng có một thương hiệu nhà tuyển dụng thu hút. Vì “Thương hiệu tuyển dụng” thực chất liên quan đến hai từ khoá quan trọng là “Thương hiệu” và “Văn hoá”. Nếu quản trị tốt về thương hiệu và văn hoá, “tuyển dụng” chỉ là vấn đề kết quả.
[Nguồn: Nguyễn Đức Sơn]
0904922211
icons8-exercise-96 chat-active-icon