Suy nghĩ cứ làm tốt việc của mình, rồi người khác sẽ tự thấy điều đó nên được lược bỏ. Vì thế giới này người ta đang mãi bận rộn với điều mà họ quan tâm.
Vì có khiêm tốn ta mới có khả năng lắng nghe để học hỏi, cố gắng để luôn tìm kiếm sự phát triển. Ngoài ra, đó còn là điều kiện cần để dễ hòa nhập, được mọi người yêu thương.
Chúng ta tự xây dựng nên một cái tôi khiêm tốn vì tin rằng cái tôi này sẽ một đức tính, công cụ tốt trong quá trình phát triển bản thân. Tuy vậy, cũng giống như đồng xu có hai mặt. Trong một vài hoàn cảnh việc quá khiêm tốn sẽ lại tạo ra sự bất lợi hay thậm chí, đôi khi cũng khiến ta bỏ lỡ nhiều cơ hội trong công việc.
Khiêm tốn khi được giao phó thử thách mới
Khi nuôi dưỡng sự khiêm tốn này quá lâu, sẽ dễ làm mình luôn chăm chăm vào những thứ chưa làm được hay lỗi lầm phạm phải, mà quên tất cả những sự nỗ lực từng bỏ ra trước đó. Chúng ta trở nên hà khắc với bản thân, đánh giá thấp năng lực của chính mình.
Ví dụ như khi sếp hỏi: “Anh quyết định cho em thử làm việc này ở dự án quan trọng sắp tới, em đủ tự tin không?”
Người quá khiêm tốn, rụt rè sẽ trả lời: “Dạ, em chưa làm việc này bao giờ, em thấy anh A có thể làm tốt hơn em đấy? Sao sếp không giao cho ảnh? À, mà nếu anh ấy bận quá thì để em làm cũng được.”
Cách trả lời trên có thể sẽ khiến cho bạn mất cơ hội này, vì ai dám giao phó dự án quan trọng cho một người đang tỏ ra miễn cưỡng nhận nó cơ chứ?
Hãy giảm cái tôi khiêm tốn này xuống một chút để trả lời: “Dạ, em chưa làm việc này bao giờ, nhưng em sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành được nó. Anh A đã có nhiều kinh nghiệm trong việc này, sếp có thể nhắn ảnh hỗ trợ cho em lần này để dự án được suôn sẻ không ạ?”
Chúng ta vẫn có thể trả lời theo cách đầu tiên nếu bạn đã hài lòng với những gì đang có, nhưng hãy nhớ may mắn = cơ hội + sự chuẩn bị + hành động.
Khiêm tốn khi cần góp ý trong tập thể
Nếu cứ chăm chăm giữ khiêm tốn, người ta dễ ám ảnh với việc mình chưa đủ giỏi, rồi tự đánh giá những ý tưởng của mình chẳng đủ hay để nói ra. Rồi lại chẳng thể nào tỏ ra “hiện diện” ở trong buổi họp, khi nó lại là thái độ cần có của một senior.
Như vậy, bạn vừa làm giảm đi giá trị của mình trong tập thể, bạn vừa khiến cho khả năng thành công của dự án giảm đi đáng kể. Ý tưởng chẳng cần sự khiêm tốn, vì mọi ý tưởng đều có giá trị của riêng nó. Nhưng đó là khi những ý tưởng này được nói ra thay vì chìm trong sự quên lãng của chính bạn.
Elon Musk sẽ chẳng thể trở thành thần tượng của những người tài giỏi khác, nếu thiếu đi sự ngông cuồng làm nên thương hiệu.
Khiêm tốn khi sợ bị người khác ghét
Nếu không thể nói ra ý kiến của mình không phải vì nghĩ nó không hay, mà là sợ làm người khác phật lòng. Thì đã đến lúc để luôn cái tôi khiêm tốn của bạn ở nhà. Vì theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, người có thể ghét bạn thì sẽ vẫn cứ ghét bạn. Dù cho bạn lựa lời nói năng, thái độ hòa nhã ra sao đi chăng nữa.
Miễn là những điều bạn nói không đi kèm định kiến, công kích cá nhân và từ ngữ quá sỗ sàng, thì đừng vì hài lòng người khác mà không nói những điều nên nói.
Trên thực tế, sự khiêm tốn quá mức sẽ tổn hại tới sự tự tin. Chúng ta dễ quên đi bản lĩnh mình thực sự có, vì luôn nghĩ mình thật nhiều khiếm khuyết so với những người xung quanh. Hay trở nên nhút nhát, yếm thế, tự trách móc bản thân cho những sai lầm, những việc không làm được, thầm nghĩ “tất cả là do mình chưa đủ giỏi.”
Khiêm tốn và rụt rè chỉ đúng khi nó là công cụ giúp ta nhận thức những gì ta biết, và biết rằng ta vẫn có thể sai. Từ hiểu điều này mà đưa ra quyết định cần làm gì, học gì sắp tới để đến gần hơn với cái đúng.
Chứ không phải để dằn vặt bản thân, để tự nhận xét những điều thật tệ, rồi dẫn tới suy nghĩ “Hay là do mình không hợp với việc này, thôi chọn việc khác.”
Khiêm tốn khi cần thể hiện bản thân
Dù có khiêm tốn tới mức nào, thì tất cả những điều chúng ta làm đều muốn được người khác công nhận: “Work hard in silence, let your success be the noise.”
Hay có phiên bản tiếng Việt ngắn hơn là “Hữu xạ tự nhiên hương.” Tôi hiểu rằng: “Success” và “Hữu xạ” ở đây đều là những kết quả của quá trình lao động. Khi đã có kết quả, thì chúng sẽ trở thành những lời tán thưởng, sự công nhận và thể hiện giá trị của mình. Còn “noise” và “hương” nghĩa là ta phải có cách nào đó (bằng âm thanh, bằng mùi hương), để người khác có thể nhận ra những kết quả mà ta đạt được.
Suy nghĩ cứ làm tốt việc của mình, rồi người khác sẽ tự thấy điều đó nên được lược bỏ. Vì thế giới này người ta đang mãi bận rộn với điều mà họ quan tâm.
Nếu chẳng may bạn không nằm trong vòng quan tâm đó, lại vì quá khiêm tốn mà không nghĩ tới cách nào đó thể hiện bản thân mình. Thì kết quả là người cần phải biết giá trị thật sự của bạn, lại không thể biết.
Vì thế, khi đã có kết quả hãy thể hiện nó ra một cách khiêm tốn, thay vì khiêm tốn mà không thể hiện nó ra.
Vẫn còn một cách khác nếu bạn không muốn tự mình nói ra giá trị của bản thân, hãy nhờ người khác. Như cách mà Apple đã làm, mọi quảng cáo về iPhone hoàn toàn do các công ty khác tự làm (nhà mạng, nhà phân phối). Apple đã không phải chi trả một đồng nào vì điều này.
Nhưng bạn có dám chắc, giá trị của bạn cũng dẫn đầu như iPhone trong thị trường smartphone?
Tự kiêu trung thực hơn khiêm tốn giả tạo
Bài viết này không nhằm làm giảm đi tính quan trọng của khiêm tốn. Với tôi nó vẫn là một đức tính quý báu cần phải có. Chỉ là điều này có tính cách khá phức tạp, nếu quá ít sẽ làm chúng ta kiêu căng ngạo mạn, nếu quá thừa thì lại trở nên nhút nhát tự ti.
Và không những quá khiêm tốn làm bạn mất cơ hội, đôi khi nó còn khiến người khác cho rằng đó là “Sự khiêm tốn giả tạo”, được sử dụng như một vỏ bọc cho một người thực tế là sống ích kỷ và tự ái. Cả những người đang mong đợi được khen ngợi bất chấp.
Như người ta nói: “Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu.” Cuối cùng, tôi thà giao du với người tự kiêu vì trung thực với thực lực, hơn là khiêm tốn một cách giả tạo.
( Nguồn:vietcetera)