Hướng đi đột phá của 10 công ty đầu ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản

Hướng đi đột phá của 10 công ty đầu ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản

Trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc mạng công nghệ lần thứ 4 đến các lĩnh vực kinh tế xã hội, các công ty trong ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản cũng không nằm ngoài làn sóng chuyển mình để đáp ứng với sự thay đổi.

FPT Digital đã thực hiện nghiên cứu về các phương thức đổi mới của 10 công ty hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản trong 3 năm gần nhất (2019 – 2021). Những công ty này được lựa chọn từ danh sách những những công ty thủy sản có doanh thu hàng năm cao nhất thế giới với hoạt động trọng tâm là nuôi trồng – chế biến và kinh doanh các sản phẩm thủy sản. Mỗi công ty đều có chiến lược riêng cho hoạt động đổi mới sáng tạo, tuy nhiên họ cũng chia sẻ những hướng tiếp cận chung nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng, hướng đến mô hình phát triển bền vững.

Các quy định ngặt nghèo của chính phủ và các nước nhập khẩu về vấn đề phát triển bền vững trong lĩnh vực thủy sản đã luôn là động lực khiến các công ty đầu ngành hướng đến các hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hầu hết các công ty thủy sản Việt Nam vẫn đang phân vân về việc đầu tư cho những hoạt động này, khiến cho thủy sản Việt Nam không đạt được mức độ cạnh tranh như mong muốn trên thị trường quốc tế, mặc dù tiềm năng phát triển thủy sản tại Việt Nam rất lớn. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã thực hiện thu thập và phân tích dựa trên những phương thức đổi mới của 10 công ty thủy sản hàng đầu thế giới.

10/10 công ty thủy sản hàng đầu thế giới đều tiến hành đổi mới mô hình nuôi trồng dựa trên công nghệ cao, giúp gia tăng sản lượng nuôi trồng

Chú thích: Các công ty trong danh sách nghiên cứu có hoạt động trọng tâm là nuôi trồng-chế biến thủy sản và kinh doanh các sản phẩm chế biến thủy sản, trong đó bao gồm các công ty từ Nhật Bản, Thái Lan, Na-uy, Hàn Quốc, Mỹ, Đan Mạch. Nguồn thu thập: Thông cáo báo chí, Thông tin từ website hoặc mạng xã hội của công ty, Phân tích của FPT Digital
  • 10/10 công ty đã ứng dụng IoT và AI trong nuôi trồng và sản xuất. Những hệ thống này bao gồm các thiết bị cảm biến nhằm đo lường môi trường nước cũng như tình trạng vật nuôi, sau đó gửi thông tin về hệ thống phân tích, từ đó hệ thống hỗ trợ đưa ra quyết định về liều lượng và loại thức ăn phù hợp, cũng như các phương thức điều chỉnh chế phẩm sinh học dựa trên sức khỏe vật nuôi. Sau một năm Maruha Nichiro (Nhật Bản) tiến hành dự án ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng, trọng lượng cá nuôi của họ đã tăng lên 75% mà vẫn giữ hương vị tươi ngon như cá tự nhiên.
  • 5/10 công ty đã tối ưu công nghệ đóng gói hoặc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, giúp gia tăng thời gian bảo quản, đảm bảo độ tươi của sản phẩm, hướng tới những chất liệu tự hủy thân thiện với môi trường. Kyokuyo (Nhật Bản) đã cho ra mắt sản phẩm thủy sản có thể giã đông nhanh chóng bằng cách đun nóng mà vẫn đảm bảo sức khỏe (2020). Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, việc tối ưu công nghệ đóng gói giúp cho những công ty này đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày một tăng của khách hàng về mức độ an toàn của sản phẩm.
  • 5/10 công ty đã sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ như gắn chip vào vật nuôi hoặc tham gia những hiệp hội cung cấp nền tảng truy xuất dựa trên blockchain. Tập đoàn Thai Union (Thái Lan) đã cho ra mắt Fishcoin – một hệ sinh thái dựa trên blockchain để truy xuất chính xác nguồn gốc cá đánh bắt, giúp tăng mức độ uy tín cho sản phẩm của Thai Union trên thị trường quốc tế.
  • 5/10 công ty được khảo sát tiến hành đầu tư vào các start-up nghiên cứu khoa học và công nghệ hoặc hợp tác với các trường học, viện nghiên cứu để tài trợ cho các tài năng trẻ, hoặc tổ chức các cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng đột phá. Điển hình như Charoen Pokphan Foods – CP Foods (Thái Lan) đã cùng “42 Bangkok” – một trường lập trình nổi tiếng tại Thái Lan tổ chức hackathon nhằm tìm kiếm sự đổi mới về công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (2021). Cuộc thi này đã đem lại những ý tưởng đột phá cho CP Foods, giúp công ty này hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng của họ nhanh chóng hơn.
  • 3/10 công ty bắt đầu nghiên cứu các dự án protein thay thế từ thực vật hoặc nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm từ tế bào động vật. Công ty Nutreco đã hợp tác với start up công nghệ ENOUGH để sản xuất protein thông qua quá trình lên men nấm (2021). Những dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành bước tiến đột phá trong lĩnh vực dinh dưỡng của thế giới trong tương lai.
  • 3/10 công ty đã tiến hành sử dụng công nghệ hình ảnh để đếm số lượng, tự động kiểm tra chất lượng và phân loại vật thể trên chuyền hoặc trong môi trường nước. Maruha Nichiro (Nhật Bản) đã đưa hệ thống nhận dạng hình ảnh với trí tuệ nhân tạo vào đếm vật thể trong môi trường nước vào vận hành (2020), hệ thống này giúp giảm đáng kể số người vận hành tại thực địa.
  • 2/10 công ty đã tích cực hỗ trợ cho dân cư các vùng cận nuôi với những mô hình như tái sử dụng nước từ nuôi trồng thủy sản để tưới tiêu cây trồng hoặc thu gom rác thải từ biển để làm áo thun tái chế, góp phần phát triển công tác an sinh xã hội.
  • 2/10 công ty đã ứng dụng công nghệ vào cộng tác tác với nông dân/ngư dân trong nuôi trồng, đánh bắt hoặc vận chuyển hàng hóa. CP Foods (Thái Lan) đã phát triển ứng dụng “CPF Logistics” để kết nối các nông hộ nhỏ với dịch vụ thiết bị hỗ trợ hoặc vận tải hàng hóa (2020). Nền tảng này giúp người dùng tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ hoặc xe giao hàng khi cần thiết. CP Foods đã giúp đem lại những thay đổi lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh thường ngày của người nông dân, tiến tới gắn kết chuỗi cung ứng ngành thủy sản chặt chẽ hơn.
  • 1/10 công ty sử dụng nền tảng web cho phép khách hàng lựa chọn sản phẩm cá nhân hóa như Nueva Pescanova (Đan Mạch) đã ra mắt website Fish Solutions cho các nhà hàng/khách sạn (2019), giúp khách hàng lựa chọn các thực đơn và công thức tùy chỉnh dựa trên những xu hướng tiêu dùng và nấu ăn của thực khách, từ đó giúp nhà hàng cải thiện sản phẩm dịch vụ và tối ưu hóa nguồn lực.

Những thông tin được cung cấp trong nghiên cứu này nhằm làm nổi bật những phương thức đổi mới sáng tạo của các công ty đầu ngành thủy sản. Thông qua những nghiên cứu trên, chúng tôi hy vọng cung cấp những thông tin tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp thủy sản tại Việt Nam.

0904922211
icons8-exercise-96 chat-active-icon