Thành công hôm nay của Brian Cristiano là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, bứt phá không ngừng và đặc biệt là tinh thần dám nghĩ, dám làm những điều khác biệt để từ đó đạt được những điều không ai có.
Trong bài phỏng vấn với trang Entrepreneur, anh đã chia sẻ nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá mà anh tích cóp được trong suốt những năm qua.
1. HỌC THEO CÁCH KHÓ KHĂN
“Tinh thần khởi nghiệp của tôi luôn mạnh mẽ nhưng tôi không có nền tảng về lĩnh vực này và cũng không có ai để học theo. Tôi đã mắc phải những sai lầm lớn khi điều hành công ty đầu tiên và chúng khiến cả tôi lẫn công ty suýt lâm vào cảnh phá sản.
Tôi nợ 250.000 đô, phải cho những người lạ thuê lại căn phòng của mình và ngủ trên một chiếc ghế dài để kiếm chút tiền thuê nhà. Tôi đã chạm tới điểm cực hạn mà tôi nghĩ đó là kết thúc, là sự chông chênh trong sự hòa trộn giữa tự do và cuồng loạn xoáy sâu vào bạn khi bạn biết rằng mình thực sự đã chẳng còn gì để mất.
Đáng lẽ tôi đã nằm xuống và chờ chết hay trở thành một kẻ thụ động dõi theo cái kết của đời mình như tôi đã nghĩ, nhưng điều gì đó sâu bên trong tôi từ chối chấp nhận lựa chọn này. Vì thế, tôi đã gồng dậy và chiến đấu”.
2. NẮM QUYỀN KIỂM SOÁT
“Tôi bắt đầu đọc những cuốn sách self-help, tới các hội nghị chuyên đề và nhận ra tôi là người duy nhất hoàn toàn bị kết quả kiểm soát và chi phối, và tôi đã làm điều này cho bản thân mình.
Tôi quyết định mình phải chiến đấu thay vì chịu thất bại, phải hành động thay vì chờ chết. Tôi cũng chấp nhận một sự thực rằng tôi chính là nguồn gốc của tất cả những vấn đề tôi gặp phải, đồng thời cần tạo ra một đạo đức nghề nghiệp phù hợp với khám phá mới của mình.
Do đó, tôi thúc giục, ép buộc bản thân và làm việc trong khi luôn biết rằng tôi có thể thất bại và mất hết mọi thứ, không có ai hay điều gì đảm bảo rằng tôi sẽ thành công cả. Tôi thoát cảnh nợ nần và bắt đầu kiếm 1 triệu đô đầu tiên của mình. Nếu tôi đã khiến cuộc đời tuột dốc thì tôi cũng có thể làm nó phất lên trở lại. Và tôi muốn gửi đến các bạn thông điệp đó”.
3. LÀM NHỮNG GÌ CÓ THỂ
“Tất cả chúng ta ai cũng muốn thành công nhưng không ít người lại đang tự kìm hãm chính mình. Họ không cho phép bản thân mình theo đuổi mơ ước và thấy bế tắc khi gặp phải khó khăn, trở ngại, nhưng họ không biết rằng kỳ thực họ có thể làm được nhiều hơn thế.
Họ cần phải giữ một suy nghĩ rằng hãy làm những gì có thể, thậm chí là làm những điều không thể nếu chúng thực sự cần thiết để thành công. Trở thành doanh nhân là một việc thật hấp dẫn. Nhiều người khao khát khởi nghiệp, muốn xây dựng được cái gì đó nhưng tinh thần của họ lại không đủ vững và kiên định khi mọi việc trở nên khó khăn. Và đôi khi, họ thậm chí còn không hình dung được việc gì là khả thi.
Tôi đã nhiều lần bất ngờ về thành công của chính mình, nhưng không phải vì tôi không nghĩ mình có thể làm việc đó, mà là bởi tôi đạt được nhiều thứ hơn tôi nghĩ”.
BOLD University
“Đa số các công ty đều gặp rắc rối với sự tăng trưởng chậm, không rõ phải thực hiện chiến lược nào trước và dù có hàng loạt các ý tưởng nhưng lại thiếu nguồn lực hoặc thời gian để hoàn thành. Để giải quyết những vấn đề này, bạn cần hai thứ:
(1) Tiếp cận với những người thực sự chuyên nghiệp và hiểu thật rõ tình hình của bạn trước đó, đã chứng kiến tất cả và có thể đưa ra lời khuyên cho bạn.
(2) Một cuốn sách giải trí cho bạn thấy cách để tập trung vào những sách lược mà có sự ảnh hưởng lớn nhất.
Đó là lý do tại sao chúng tôi tạo ra BOLD University: trao quyền gặp gỡ những chuyên gia về kinh doanh trên thế giới trong khuôn khổ một hội thảo kéo dài cả ngày. Tại đó, bạn sẽ thực sự được quan sát các chiến lược, nguyên tắc và công cụ mà họ đã sử dụng để tạo nên những thương hiệu và công ty thành công vang dội”.
TƯƠNG LAI CỦA TINH THẦN KHỞI NGHIỆP
“Chúng ta hiện đang sống trong một xã hội mà bất cứ ai cũng có thể đưa từ “entrepreneur” (doanh nhân) vào hồ sơ của mình trên LinkedIn, thuê một chiếc xe mà họ không có khả năng mua và giả bộ như đang tham gia vào cuộc chơi. Nhưng điều đó sẽ thay đổi.
Hiện giờ việc ấy nghe có vẻ thật tuyệt vời nhưng công việc đầy khó khăn thì không tuyệt như vậy bởi nó là công việc thực sự. Tôi nghĩ tương lai là khi con người nhận ra rằng, họ cần tạo ra được một lượng lớn những giá trị hữu hình để có thể gây dựng và phát triển một doanh nghiệp”.
Nguồn: Cafef