Mark Zuckerberg được biết đến là một trong những vị tỷ phú giàu nhất thế giới và là người sáng lập kiêm CEO Công ty Meta (trước đây là Công ty Facebook). Meta – lấy từ thuật ngữ khoa học viễn tưởng metaverse (vũ trụ ảo), phản ánh tầm nhìn của Facebook trong việc biến mạng xã hội này thành trung tâm vũ trụ ảo.
Năm 2007, ở tuổi 23, anh trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới. Tính đến tháng 11/2021, giá trị tài sản ròng của Zuckerberg là 126 tỷ USD, anh là người giàu thứ 7 trên thế giới.
Vị tỷ phú trẻ luôn nhận được sự ủng hộ, yêu mến của nhân viên bởi ngoài kiến thức và năng lực, Zuckerberg còn có phong cách và những bí quyết lãnh đạo đặc biệt. CEO Meta tiết lộ, anh đã không ngừng học cách lãnh đạo từ khi bắt đầu khởi nghiệp trong căn phòng ký túc xá của trường Đại học Harvard cho tới khi trở thành ông chủ của hơn 20.000 nhân viên như hôm nay.
Được thành lập từ năm 2004, đến nay, Facebook hiện có hơn 1 tỷ người dùng. Làm thế nào một người có thể xây dựng cả doanh nghiệp thành công lớn nhất nhì thế giới ở tuổi 29, và bí quyết thành công của Zuckerberg là gì? Hãy tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Trong cuốn sách “Think Like Zuck: The Five Business Secrets of Facebook’s Improbably Brilliant CEO Mark Zuckerberg” (Tạm dịch: “Nghĩ như Zuck: 5 bí mật kinh doanh của vị CEO Facebook lỗi lạc Mark Zuckerberg), tác giả Ekaterina Walter đã chỉ ra những bí quyết thành công của vị tỷ phú trẻ tuổi này, gói gọn bằng 5 từ bắt đầu bằng chữ P: Passion (đam mê), Purpose (mục đích), People (con người), Product (sản phẩm) và Partnerships (đối tác).
Nguyên tắc nền tảng của Facebook là nếu mọi người được tiếp cận nhiều hơn với thông tin và được kết nối nhiều hơn, thì thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn, mọi người sẽ hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn. Đó là nguyên tắc chỉ đường của tôi”, Zuckerberg từng nói.
Bài học rút ra là: Hành động vì niềm đam mê và kêu gọi những con người có cùng đam mê làm việc cùng mình.
2. Purpose – Mục đích
Chia sẻ trong một bài phỏng vấn, Mark Zuckerberg cho biết: “Facebook ban đầu không được tạo ra để trở thành một công ty. Nó được xây dựng để hoàn thành một sứ mệnh xã hội – làm cho thế giới cởi mở và kết nối hơn”. Zuckerberg đặt cược vào trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và đưa Internet đến 60% những người trên toàn thế giới được kết nối với nhau. Ngày nay, Facebook là mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn nhất trên Internet. Một người dùng trung bình dành 50 phút mỗi ngày để sử dụng các nền tảng Facebook, Messenger và Instagram của mình.
Mục đích sáng lập Amazon của CEO Jeff Bezos là “Amazon muốn trở thành cửa hàng cho mọi thứ”. Amazon muốn mọi người trên khắp thế giới có thể mua sắm và tìm thấy mọi thứ họ muốn ở đây với mức chi phí nhỏ nhất.
Khi Blake Mycoskie thấy những đứa trẻ nghèo tại Argentina chân đất đi trên những con đường đầy rác và mảnh thủy tinh vỡ, ông nảy ra ý định định lập công ty để giúp chúng có cơ hội xỏ giày. Với mục đích đó, công ty TOMS đến nay đã tài trợ hàng triệu đôi giày cho trẻ em nghèo trên khắp thế giới.
Tác giả Ekaterina Walter cho rằng, để đạt tới thành công, mỗi công ty cần hiểu rõ được mục đích phát triển của mình và cố gắng làm việc để đạt được kết quả đó.
3. People – Con người
Để xây dựng Facebook trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như ngày nay, một trong những bí quyết lãnh đạo đem lại thành công cho Mark Zuckerberg là cho phép nhân viên thực hiện những ý tưởng mà các sếp có thể không chấp thuận.
Đối với người lãnh đạo tổ chức, nhân viên không chỉ là người làm thuê mà còn là những người bạn kề vai sát cánh, những người phù hợp với văn hóa doanh nghiệp và tầm nhìn sứ mệnh của công ty.
Coi con người làm trung tâm chính là kim chỉ nam của vị tỷ phú trẻ trong quá trình phát triển công ty. “Tự do sẽ thúc đẩy nhân viên làm việc sáng tạo hơn và mọi người sẽ có cơ hội để thử nhiều thứ khác nhau trong tương lai. Vì vậy, tốt hơn là bạn nên để họ thoải mái làm những gì họ nghĩ thay vì bắt ép, gò bó nhân viên trong những khuôn khổ”, Zuckerberg nói.
Zuckerberg đặc biệt coi trọng mối quan hệ của mình với những nhân viên cấp dưới. Anh luôn khuyến khích sự tương tác giữa mọi người để thúc đẩy hiệu suất công việc. Trong môi trường làm việc trên Facebook, sự thoải mái và hạnh phúc của nhân viên là điều tối quan trọng. Ông chủ Facebook tin rằng nếu nhân viên của họ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc, thì họ sẽ làm việc hiệu quả hơn.
Là giám đốc điều hành, Zuckerberg chia sẻ, anh đã học cách tìm những người giỏi cùng đồng hành để có thể hoàn thành tầm nhìn của Facebook. “Khi bạn chuyển sang điều hành một tổ chức, những gì bạn học được là không thể tự mình làm tất cả mọi việc cùng một lúc. Nếu tôi muốn đẩy nhanh tiến độ của một công việc nào đó, điều tốt nhất mà tôi có thể làm chắc chắn rằng có những người thực sự đủ năng lực đang dành toàn bộ thời gian để làm việc đó”.
4. Product – Sản phẩm
Chất lượng của sản phẩm chính là tiêu chí đánh giá chính xác chất lượng của một doanh nghiệp. Ngay từ khi mới ra mắt, không phải ai cũng thích Facebook, nhưng Zuckerberg đã không từ bỏ một cách dễ dàng như vậy. Theo Zuckerberg, Facebook luôn phấn đấu để xây dựng “sản phẩm tốt nhất và đơn giản nhất để mọi người chia sẻ thông tin dễ dàng nhất”.
Đối với Mark Zuckerberg, anh luôn coi trọng chất lượng sản phẩm trước khi nghĩ đến xây dựng mô hình kinh doanh. Anh thậm chí đã từ chối lời chào bán Facebook với giá 1 tỷ USD cho Yahoo vào năm 2006 vì anh quyết tâm đem sản phẩm tốt nhất của mình tới mọi người trên thế giới. Facebook liên tục tinh gọn quy trình và chia sẻ thông tin đó, điều này thúc đẩy những bước tiến lớn của họ trong những năm qua. Chính vì vậy, những công ty thành công luôn chú trọng sản phẩm trước rồi mới đến doanh thu.
5. Partnerships – Đối tác
Không một CEO nào có thể tự mình vận hành bộ máy doanh nghiệp một cách trơn tru nếu không có những “cánh tay” đắc lực trợ giúp. Cặp bạn thân Steve Jobs và Steve Wozniak đã cùng nhau xây dựng đế chế Apple, Bill Hewlett và Dave Packard sáng lập nên tập đoàn công nghệ thông tin Hewlett-Packard (HP), Sergey Brin và Larry Page đồng sáng lập công cụ tìm kiếm Google, hay William S. Harley và anh em nhà Davidson sáng lập hãng xe Harley-Davidson.
Ngay cả Zuckerberg cũng biết rằng anh cần một đối tác có thể trợ giúp trong quá trình đi đến thành công của Facebook. Năm 2007, Mark Zuckerberg 23 tuổi gặp Sheryl Sandberg tại một bữa tiệc giáng sinh. Cuộc gặp gỡ ấy là một bước ngoặt thay đổi số phận cuộc đời giúp Zuckerberg trở thành tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới. Ngay thời điểm đó, Zuckerberg biết công ty mình đang rất cần một COO (Chief Operating Officer – Giám đốc vận hành) và người đó không thể là ai khác ngoài Sheryl Sandberg.
Steve Jobs từng nói: “Đó là cách tôi nhìn nhận kinh doanh: Những điều tuyệt vời trong kinh doanh không bao giờ được thực hiện bởi một người, chúng được thực hiện bởi một nhóm người.”
Tìm được những đối tác giỏi là một trong những chìa khóa của sự thành công của những CEO vĩ đại nhất thế giới. Đó là người đồng hành, người cùng chung chí hướng phát triển để thực hiện mục đích.
Lời kết
Thành công của Mark Zuckerberg không phải là điều phi thường. Anh luôn theo đuổi niềm đam mê của mình và toàn tâm toàn ý hoàn thành sứ mệnh Facebook. Trong thành công của Zuckerberg, hoàn toàn không có chỗ cho sự may mắn.
Nhà tâm lý học, giáo sư hàng đầu tại trường kinh doanh Wharton Adam Grant nói: “Trong hơn 12 năm qua, tôi đã làm việc và nghiên cứu hàng ngàn nhà lãnh đạo. Những người tôi ngưỡng mộ hầu hết những người cũng có khuynh hướng tạo ra những kết quả tốt nhất cho tổ chức của họ, đó thực sự là những người dành cả cuộc đời mình để cho đi, để cống hiến chứ không mong chờ những thứ được nhận về mình”.
Những nhà lãnh đạo vĩ đại là những người biết cách dẫn dắt, truyền cảm hứng cho đội ngũ và có tầm nhìn chiến lược trong suốt quá trình phát triển doanh nghiệp
( Nguồn: Tổng hợp)