Lợi thế cạnh tranh
Theo Michael Porter, LTCT được hiểu là những nguồn lực, lợi thế của ngành, quốc gia mà nhờ có chúng các doanh nghiệp kinh doanh trên thương trường quốc tế tạo ra một số ưu thế vượt trội hơn, ưu việt hơn so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Bốn yếu tố tạo nên LTCT là: Hiệu quả, chất lượng, sự cải tiến và sự đáp ứng khách hàng. Chúng tạo thành một 2 khối thống nhất của LTCT mà bất kỳ một DN hoạt động trong lĩnh vực nào cũng phải tuân theo. Có thể nghiên cứu từng yếu tố tách biệt nhau như ở những phần dưới đây, song cần lưu ý rằng, giữa chúng có sự tương tác lẫn nhau rất mạnh.
Theo Jack Welch, nếu không có lợi thế cạnh tranh thì đừng cạnh tranh. Lợi thế là nền tảng cho sự cạnh tranh. Vì vậy, lợi thế cạnh tranh là những gì làm cho doanh nghiệp nổi bật, những cái mà các đối thủ khác không có, doanh nghiệp đó sẽ hoạt động tốt hơn những doanh nghiệp khác. Lợi thế cạnh tranh là yếu tố cần thiết cho sự thành công và tồn tại lâu dài hay khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Có bốn yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh là: Hiệu quả, chất lượng, sự cải tiến và sự đáp ứng khách hàng. Chúng là những khối chung của lợi thế cạnh tranh mà một doanh nghiệp có thể làm theo, bất kể doanh nghiệp đó ở ngành nào, cung cấp sản phẩm/ dịch vụ gì. Mặc dù chúng ta có thể nghiên cứu từng khối tách biệt nhau ở những phần dưới đây, xong cần lưu ý rằng giữa chúng có sự tương tác lẫn nhau rất mạnh.
Mỗi yếu tố đều có sự ảnh hưởng đến việc tạo ra sự khác biệt. Bốn yếu tố này sẽ giúp DN tạo ra giá trị cao hơn thông qua việc hạ thấp chi phí hay tạo sự khác biệt về sản phẩm so với đối thủ. Từ đó, DN có thể làm tốt hơn đối thủ và có lợi thế cạnh tranh.
Diễn đàn cấp cao về cạnh tranh công nghiệp của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng đã đưa ra một định nghĩa về lợi thế cạnh tranh quốc gia riêng, đó là: “Khả năng của các doanh nghiệp, ngành, quốc gia và vùng trong việc tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế”.
Năng lực cạnh tranh
Khái niệm năng lực cạnh tranh được đề cập đầu tiên ở Mỹ vào đầu những năm 1980. Theo Aldington Report (1985): “Doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh là DN có thể sản xuất sản phẩm và dịch vụ với chất lượng vượt trội và giá cả thấp hơn các đối thủ khác trong nước và quốc tế. Khả năng cạnh tranh đồng nghĩa với việc đạt được lợi ích lâu dài của doanh nghiệp và khả năng bảo đảm thu nhập cho người lao động và chủ DN”.
Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế (CIEM) cho rằng: Năng lực cạnh tranh là năng lực của một doanh nghiệp “Không bị doanh nghiệp khác đánh bại về năng lực kinh tế”. Quan niệm về năng lực cạnh tranh như vậy mang tính chất định tính, khó có thể định lượng.
Theo quan điểm của Michael E. Porter (2010), Chiến lược cạnh tranh, thì năng lực cạnh tranh là khả năng tạo ra những sản phẩm có quy trình công nghệ độc đáo, tạo ra giá trị gia tăng cao phù hợp với nhu cầu của khách hàng, chi phí thấp, năng suất cao nhằm nâng cao lợi nhuận.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là sức sản xuất ra thu nhập tương đối cao trên cơ sở sử dụng các yếu tố sản xuất có hiệu quả làm cho các doanh nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh quốc tế.
Theo GS.TS Nguyễn Bách Khoa trình bày trong bài viết: “Phương pháp luận xác định năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp” thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nói riêng được hiểu là: “Tích hợp các khả năng và nguồn lực để duy trì và phát triển thị phần, lợi nhuận và định vị những ưu thế cạnh tranh của sản phẩm đó trong mối quan hệ với đối thủ cạnh tranh trực tiếp và tiềm tàng trên thị trường mục tiêu xác định”.
Như vậy, NLCT của DN là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thu hút và sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất nhằm đạt lợi ích kinh tế cao và bền vững.
Cấp độ của năng lực cạnh tranh
- Năng lực cạnh tranh quốc gia
Trong một báo cáo về tính cạnh tranh tổng thể của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 1997 đã nêu ra: “Năng lực cạnh tranh của một quốc gia là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân nhằm đạt được và duy trì mức tăng trưởng cao trên cơ sở các chính sách, thể chế bền vững tương đối và các đặc trưng kinh tế khác”.
Năng lực cạnh tranh là việc xây dựng một môi trường cạnh tranh kinh tế chung, đảm bảo phân bố có hiệu quả các nguồn lực, để đạt và duy trì mức tăng trưởng cao, bền vững.
- Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Năng lực cạnh tranh của DN là sự thể hiện thực lực và lợi thế của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong việc thoả mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng để thu lợi nhuận ngày càng cao, bằng việc khai thác, sử dụng thực lực và lợi thế bên trong, bên ngoài nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn người tiêu dùng để tồn tại và phát triển, thu được lợi nhuận ngày càng cao và cải tiến vị trí so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh của DN chính là các yếu tố nội hàm của DN bao gồm: Khả năng tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, uy tín DN, ….Đồng thời, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn với thị phần mà nó nắm giữ.
Khi nghiên cứu tìm biện pháp nâng cao NLCT doanh nghiệp cần đặt mình trong mối quan hệ chặt chẽ với môi trường xung quanh để xác định được vị thế của doanh nghiệp, từ đó xây dựng được chiến lược thích hợp.
- Năng lực cạnh tranh của sản phẩm
Theo quan điểm của Michael E. Porter (2010), Chiến lược cạnh tranh, thì năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa là khả năng sản phẩm đó tiêu thụ được nhanh chóng khi có nhiều người cùng bán loại sản phẩm đó trên thị trường. Hay nói một cách khác, năng lực cạnh tranh của sản phẩm phụ thuộc vào chất lượng, giá cả, tốc độ cung ứng, dịch vụ đi kèm, uy tín của người bán, thương hiệu, quảng cáo, điều kiện mua bán.
Một sản phẩm hàng hoá được coi là có năng lực cạnh tranh khi nó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về chất lượng, giá cả, tính năng, kiểu dáng, tính độc đáo hay sự khác biệt, thương hiệu, bao bì… hơn hẳn so với những sản phẩm hàng hoá cùng loại. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá lại được định đoạt bởi năng lực cạnh tranh của DN. NLCT của sản phẩm hàng hoá phụ thuộc vào NLCT DN.
Sự cần thiết nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Nâng cao NLCT cho doanh nghiệp là một đòi hỏi cấp bách để DN đủ sức cạnh tranh một cách lành mạnh và hợp pháp trên thương trường.
Với xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới hiện nay, việc nâng cao NLCT ở các doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng và quyết định đến sự sống còn của DN. Vì mục đích cuối cùng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là mang lại càng nhiều lợi nhuận mà việc nâng cao NLCT tại doanh nghiệp được xem như là một chiến lược không thể thiếu trong định hướng phát triển và nó góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu của DN.
Năng lực cạnh tranh là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển không chỉ của DN mà còn của cả quốc gia. Bởi có nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là việc nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ nhằm mục đích là đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn góp phần vào sự tăng trưởng của ngành và cả quốc gia.
( Nguồn: Tổng hợp)