Theo PTGĐ FPT kiêm Chủ tịch FPT Digital – anh Hoàng Việt Anh, trong câu chuyện chuyển đổi số, doanh nghiệp tùy quy mô khác nhau có thể có cách tiếp cận để triển khai chuyển đổi số khác nhau và công thức thành công của doanh nghiệp này chưa chắc đã đúng cho doanh nghiệp khác.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu như tháng 3/2020, trên không gian mạng có khoảng 3.000 đề cập có chứa từ khóa “chuyển đổi số” thì đến tháng 11/2020 có khoảng 30.000 đề cập, tăng gấp 10 lần. Nhắc đến con số này để thấy chuyển đổi số đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng doanh nghiệp.
Để có góc nhìn rõ hơn về chuyển đổi số, PTGĐ FPT kiêm Chủ tịch FPT Digital – anh Hoàng Việt Anh có cuộc trao đổi với truyền thông.
– Theo anh, khó khăn lớn nhất trong vấn đề chuyển đổi số năm vừa qua đối với các doanh nghiệp là gì?
– Chúng ta cũng biết chuyển đổi số, đặc biệt là ở Việt Nam trong thời gian vừa qua vẫn là một khái niệm mới. Các doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số.
Có thể nói chúng ta đang chậm hơn so với các nước tiên tiến trên thế giới khác một khoảng thời gian. Tuy nhiên năm 2020 lại là một năm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lên toàn thế giới và nó tạo ra khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.
Điều cản trở có thể nhìn thấy trong năm vừa qua chính là cản trở về mặt tài chính, về mặt quyết định đầu tư của các doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi số. Tuy vậy, trong thời gian qua cũng ghi nhận được rằng có không ít doanh nghiệp Việt Nam rất nỗ lực và đã đạt được những thành công nhất định trong việc chuyển đổi số.
Có thể nói, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt trong năm 2020 vừa rồi khi quyết định làm chuyển đổi số chính là khó khăn về tài chính.
– Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ nên chuyển đổi số bằng phương pháp nào?
– Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có lợi thế là nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và đặc biệt là giới công nghệ thông tin đã có những đầu tư nhất định để xây dựng các nền tảng, giải pháp phục vụ cho các doanh nghiệp này.
Việc lựa chọn giải pháp phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chìa khóa chính là các sản phẩm đã có sẵn trên thị trường, đã hoạt động và mang lại giá trị. Đây là một trong những giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn Covid.
– Tỷ lệ doanh nghiệp chưa chuyển đổi số của Việt Nam vẫn còn rất nhiều, vậy họ nên bắt đầu chuyển đổi số từ đâu?
– Câu chuyện chuyển đổi số không phải là cái gì đó quá to lớn và chúng ta có nhiều cách tiếp cận chuyển đổi số khác nhau, phụ thuộc vào “độ chín muồi” của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần nhìn nhận lại xem mình đang ở đâu và muốn phát triển đến đâu để từ đó có lộ trình cho riêng mình. Vì thế, doanh nghiệp trước hết cần phải được tư vấn để xác định mục tiêu hướng đến và cách để thực hiện. Song song thì doanh nghiệp có thể lựa chọn những điểm quan trọng nhất mà doanh nghiệp nhất định phải giải quyết trên con đường thực hiện các mục tiêu đặt ra.
Đây là một trong những công thức khá phổ biến mà các doanh nghiệp lớn nhỏ đã triển khai thành công chuyển đổi số trong giai đoạn vừa qua.
– Doanh nghiệp lớn sẽ dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ thế nào trong quá trình chuyển đổi số, thưa anh?
– Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn có nhiệm vụ đầu tiên là phát huy tính sáng tạo, tạo ra những nền tảng phục vụ cho nền kinh tế, cho các đội tượng doanh nghiệp Việt Nam.
Với một nền kinh tế chia sẻ và kết nối, tôi cho rằng với các doanh nghiệp lớn thì các kết quả nghiên cứu cần được chia sẻ với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Từ đó kết nối và tạo ra sân chơi cho các doanh nghiệp nhỏ hơn có điều kiện tham gia một cách bình đẳng và giúp các doanh nghiệp hoàn thành chuyển đổi số.
– Theo anh, Nhà nước đóng vai trò như thế nào trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp?
– Bất cứ một lĩnh vực nào thì thể chế, quy định và chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện, thúc đẩy cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số có động lực mạnh mẽ để tham gia vào cuộc chơi này luôn luôn là trách nhiệm của Chính phủ.
Đại diện các doanh nghiệp vô cùng mong muốn trong thời gian tiếp theo sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ.
– Anh đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của quá trình chuyển đổi số với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới đây?
– Chúng ta có thể thấy rằng Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có cả kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, trong nguy thì sẽ có cơ. Cơ ở đây chính là các doanh nghiệp nhận thức được chuyển đổi số chính là chìa khóa duy nhất giúp họ vượt qua khủng hoảng và sẵn sàng cho quá trình phục hồi.
Tôi cho rằng cơ hội chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian sắp tới là rất lớn và các doanh nghiệp công nghệ cần sẵn sàng để có thể bứt tốc cùng với các doanh nghiệp khác tăng tốc độ chuyển đổi số ngay sau đại dịch Covid-19.
Từ kinh nghiệm của chính FPT, chúng tôi nhận thấy rằng doanh nghiệp tùy quy mô khác nhau có thể có cách tiếp cận để triển khai chuyển đổi số khác nhau. Thế nhưng chuyển đổi số là việc phải làm đầu tiên và bắt đầu từ chính người đứng đầu doanh nghiệp và thời điểm hiện nay là thời điểm cần phải hành động.
Công thức thành công của doanh nghiệp này chưa chắc đã đúng cho doanh nghiệp khác. Vì vậy, các doanh nghiệp cần quyết tâm hành động trong thời điểm ngày hôm nay.
– Còn về thị trường chuyển đổi số trong năm 2021 nói riêng và trong thập kỷ mới nói chung thì sao, thưa anh?
– Theo đánh giá của các tổ chức trên thế giới, tốc độ tăng trưởng của ngân sách dành cho thị trường chuyển đổi số trên thế giới sẽ tăng trưởng từ 18-22%/năm. Ngay khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thay vì việc cắt giảm ngân sách chuyển đổi số thì phần lớn các doanh nghiệp lại đổ tiền để chuyển đổi số nhiều hơn.
Theo thống kê, cứ mỗi một tuần, ngân sách chuyển đổi số do các doanh nghiệp trên thế giới đầu tư vào tăng thêm 15 tỷ USD. Điều này chứng tỏ quy mô và nhu cầu chuyển đổi số càng ngày càng tăng.
Trong tình hình đó, tại Việt Nam, nền kinh tế và các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề do Covid-19 và một trong những khó khăn chính là việc ngân sách cho chuyển đổi số cũng bị cắt giảm.
Trong năm qua, ngân sách mà các doanh nghiệp Việt Nam dành ra cho quá trình chuyển đổi số đang có xu hướng suy giảm. Dù vậy điều này không có nghĩa là chúng ta không có cơ hội về tương lai.
Trong năm 2020 vừa qua, điều đáng mừng mà lãnh đạo các doanh nghiệp trao đổi với FPT là họ đều tin tưởng rằng chuyển đổi số sẽ là chìa khóa duy nhất giúp doanh nghiệp của họ vượt qua khủng hoảng và đón bắt làn sóng phục hồi phát triển.
Tôi tin rằng trong năm 2021 và các năm tiếp theo thì tốc độ đầu tư và ngân sách dành cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng trưởng lớn hơn rất nhiều so với những năm trước đây.
Nguồn: chungta.vn