Tối ngày 18/11/2021, Viện Quản trị & Công nghệ FSB, ĐHFPT đã tổ chức thành công Hội thảo Quản trị tháng 11 – LINH HOẠT: DẪN DẮT TỔ CHỨC TRONG THỜI ĐẠI BIẾN ĐỘNG VÀ BẤT ĐỊNH với diễn giả Dương Trọng Tấn chia sẻ đến hơn 300 học viên FSB trên cả nước.
***********************************************
“Linh hoạt” bài học sống còn trong kỷ nguyên biến động và bất định
Ngày đăng: 26/11/2021
Tối ngày 18/11/2021, Viện Quản trị & Công nghệ FSB, ĐHFPT đã tổ chức thành công Hội thảo Quản trị tháng 11 – LINH HOẠT: DẪN DẮT TỔ CHỨC TRONG THỜI ĐẠI BIẾN ĐỘNG VÀ BẤT ĐỊNH với diễn giả Dương Trọng Tấn chia sẻ đến hơn 300 học viên FSB trên cả nước.
Ông Dương Trọng Tấn là CEO của Tổ hợp giáo dục Agilead Global, chuyên gia cao cấp về quản trị và khởi nghiệp tại Học viện Agile – đơn vị tiên phong chuyển đổi linh hoạt và đổi mới quản trị tại Việt Nam. Trước đó, ông từng có nhiều năm công tác tại Khối giáo dục FPT, và tham gia nhóm cải cách giáo dục Cánh Buồm. Là một trong những người tiên phong lan tỏa tri thức Agile, ông đã tận tâm chia sẻ về quản trị linh hoạt (agile management & agile leadership), cùng với yêu cầu cấp thiết về việc tái tạo lại các tổ chức để trở nên linh hoạt hơn (agile organization) trong suốt hội thảo cho các nhà quản trị – học viên các chương trình MBA, MiniMBA của FSB.
“Linh hoạt: Dẫn dắt tổ chức trong thời đại biến động và bất định” chủ đề của buổi hội thảo cũng là tên của tựa sách diễn giả sắp ra mắt đầu năm 2022, nghiên cứu về tổ chức linh hoạt và sự lãnh đạo trong tổ chức linh hoạt.
Trong bối cảnh do tác động của đại dịch, “linh hoạt” trở thành chủ đề càng thời sự hơn cho doanh nghiệp hiện nay. Khi một tổ chức cố gắng duy trì thì trong cuộc chơi của thị trường rất nhiều cơ hội được tạo ra, các “tay chơi” tận dụng nguồn lực rất dễ dàng huy động từ thị trường mở, từ internet, công nghệ tham gia vào cuộc chơi để cuộc chơi càng nên bất định, trong thời gian ngắn nếu không đổi mới sáng tạo và thích ứng kể cả khi đang dẫn đầu thị trường cũng sẽ thất bại.
Đáng chú ý, các đế chế Yahoo, Nokia, Compaq, Kodak, …, các “tay chơi” tầm cỡ biến mất là bài học cho các doanh nghiệp trong công cuộc tiếp thu tri thức mới, gây dựng cho mình năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, linh hoạt, thích nghi nhanh hoặc với nhiều lý do chủ quan gây cho mình những bước chậm hơn so với đối thủ. Tình hình đó làm cho chúng ta tìm cách tổ chức khác đi, nếu quản trị theo kiểu cũ, các công ty đi đầu cũng sẽ không thể giữ vững vị trí mất cơ hội để vượt lên.
Một số cách thức để tổ chức khác đi được tác giả “Cẩm nang Scrum” chia sẻ với các nhà quản trị như Holacracy – hình thức cực phẳng, một tập hợp người hoàn toàn chủ động, quản lý công việc theo vòng tròn, không có người quản lý giao việc, …; mô hình McKinsey – công ty bao gồm các bộ phận nhỏ nhất là các tế bào, gồm các cá thể với chức năng khác nhau, …..; tổ chức Scrum – nhóm nhỏ liên chức năng làm việc chặt chẽ với nhau, nhóm tối đa 9 người,…. hiện thực hóa yêu cầu công việc cuối cùng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, tác giả quyển sách “Linh hoạt và tinh gọn” lấy ví dụ về Tập đoàn Amazon là một tiêu biểu trong tổ chức nhóm nhỏ, văn hóa nhóm nhỏ rất đặc trưng, tinh thần khởi nghiệp rất mạnh mẽ, người ta nhận xét Amazon như tập đoàn lớn với trái tim “khởi nghiệp tinh gọn” – các nhóm sở hữu tinh thần khởi nghiệp như thể nhóm đó bắt đầu khởi nghiệp tạo giá trị cho khách hàng, đổi mới rất nhanh chóng. CEO Amazon Jeff Bezos đưa ra quy tắc 2-pizza “Không bao giờ có cuộc họp mà hai chiếc pizza không đủ để cá nhóm cùng ăn” để cuộc họp chỉ có các nhóm rất nhỏ mà phải tạo ra được kết quả, nhanh chóng nắm bắt ý tưởng khách hàng, được trao quyền ra quyết định tạo ra giải pháp cho khách hàng để nhanh chóng thích ứng với yêu cầu của khách hàng, của thị trường.
Sau cùng, để giải quyết các vấn đề “quan liêu” trong tổ chức, doanh nghiệp cần linh hoạt ứng biến, nhanh nhẹn tiếp xúc với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, gia tăng tính sáng tạo, tính phản hồi với môi trường. Đầu tiên, cơ cấu lại tổ chức dưới dạng mạng lưới nhóm nhỏ liên chức năng và tự quản lý – nhóm có đủ năng lực tạo kết quả. Thứ hai là lấy khách hàng làm trung tâm. Thứ ba, tổ chức thì phẳng, làm việc gần khách hàng nhất có thể, bớt đi trung gian và đảm bảo có hệ thống IT đi kèm thì sự phẳng hóa lại càng tốt hơn. Cuối cùng, ưu tiên khả năng “phản hồi” với bên ngoài nhanh chóng và hiệu quả.