Tính từ năm 1993, khi phong trào doanh nhân trẻ chính thức bắt đầu, Việt Nam đứng thứ 67 thế giới về quy mô nền kinh tế. Hiện nay, vị trí của Việt Nam là 41. Các doanh nhân trẻ Việt Nam đã đóng góp một phần vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhưng theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư U&I, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhiệm kỳ IV, người Việt vẫn chưa thể hài lòng với vị trí đó. Hàn Quốc với dân số ít hơn Việt Nam đã mất không tới 60 năm để vươn lên vị trí thứ 10 thế giới.
“Dân số của chúng ta đứng hàng thứ 15 trên thế giới. Mục tiêu mà chúng ta cần nhắm tới là đưa nền kinh tế của chúng ta cũng vươn đến vị trí này, hy vọng là ngay trong khi các bạn và tôi đều còn sống”, ông Tín nói trong Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2025.
Trong xếp hạng các tỉ phú của thế giới, Việt Nam cũng đứng ở vị trí tương tự, hiện là 40. Nhưng theo ông Tín, dân Việt giàu hay nghèo thật sự so với dân các nước lại không nằm ở các chỉ số đó.
Tính theo thu nhập đầu người, Việt Nam đã leo được một quãng dốc dài, từ vị trí 170 vào năm 1993 lên vị trí 116 hiện nay.
Theo ông tín, làm doanh nhân là để làm giàu cho mình và đóng góp cho đất nước. Nhưng niềm vui của việc làm giàu trước hết nên từ việc nhìn ra được bao nhiêu mảnh đời mà người doanh nhân có thể chạm đến và làm cho cuộc sống của họ tốt hơn mỗi ngày, không chỉ giới hạn trong số cổ đông hay gia đình gần gũi của doanh nhân, mà lan tỏa ra đến người lao động, đến các thành phần khác có gắn bó đến hệ sinh thái mà từng doanh nhân tạo ra.
“Việc đó, tôi mong, nên nằm trong tim của mỗi doanh nhân. Hạnh phúc của mỗi doanh nhân đều quý. Hạnh phúc mà từng doanh nhân góp phần tạo ra cho người khác chắc chắn là rất quý”, ông Tín nói.
Người làm kinh doanh xác định mục tiêu trước khi bàn tới cách làm. Trái tim của người doanh nhân mong ước làm điều gì thì cái đầu của họ sẽ tính ra giải pháp thực hiện mong ước đó. Ông Tín cho rằng, cái tâm chung của tất cả doanh nhân trẻ Việt Nam là tạo ra được giá trị không chỉ cho riêng mình mà cho cả cộng đồng, đưa cuộc sống của người dân lên mức cao hơn nữa, đặc biệt là khi có sự hợp lực của các doanh nhân ở khắp 63 tỉnh thành.
“Vậy chúng ta sẽ làm điều đó bằng cách nào”, ông Tín đặt vấn đề.
Trong ba yếu tố để một ý tưởng kinh doanh tốt có thể được thực hiện thành công bao gồm đủ vốn, đủ người giỏi và có môi trường kinh doanh phù hợp thì yếu tố đủ người giỏi, theo ông Tín, là yếu tố chính.
Từ trải nghiệm bắt đầu với con số không và đang điều hành hơn 60 doanh nghiệp, ông Tín hiểu thấm thía yếu tố chính của việc có đủ người giỏi đó. Công nghệ có thể thay đổi rất nhiều thứ, cách làm chắc chắn sẽ thay đổi để phù hợp, nhưng điều ông Tín khẳng định chắc chắn là trong tương lai, vẫn chưa có gì có thể thay thế được người giỏi trong quản trị kinh doanh.
Kiến thức nhà trường, ngay cả ở các trường tốt nhất, vẫn chỉ mới tạo ra một cái nền cơ bản. Người giỏi của ngày hôm nay, theo ông Tín, cần có thêm các năng lực rất quan trọng khác, bao gồm: năng lực dấn thân làm chuyện khó, năng lực lãnh đạo, năng lực sáng tạo và năng lực học tập suốt đời.
Trong đó, ông Tín nhấn mạnh năng lực học tập suốt đời – năng lực chính tạo ra sự khác biệt giữa người này với người khác, giữa doanh nhân này với doanh nhân khác.
“Khi bạn muốn doanh nghiệp của bạn so bì được với một doanh nghiệp đối thủ từ một nước phát triển chẳng hạn, thì trước hết bạn phải so được bạn với người lãnh đạo của doanh nghiệp đó, có nghĩa là vấn đề trở thành tầm của bạn tới đâu”, ông Tín nhận định.
Có thể ở mốc xuất phát của cuộc đua, người doanh nhân trẻ chưa có đủ tầm cần có. Ông cho ràng, cách duy nhất giúp họ nâng được tầm lên là học, học thật nhanh, học thật kiên trì và học để không chỉ bằng mà phải vượt người khác. Có như vậy, người doanh nhân trẻ mới có cơ may cạnh tranh và tồn tại.
“Bao nhiêu anh hùng đã phải dừng cuộc chơi và ngã ngựa chỉ vì nghĩ rằng mình đủ giỏi. Sẽ không có ai đủ giỏi cả. Ngay khi bạn đã vươn lên đạt vị trí dẫn đầu thì vẫn có rất nhiều người khác âm thầm học tập để theo kịp và vượt qua bạn”, ông Tín khẳng định.
Kinh doanh, do vậy, là một cuộc đua không có điểm dừng và chắc chắn không dành cho những người thiếu năng lực học tập suốt đời. Nếu bạn có thể biến việc học tập suốt đời thành văn hóa chung của doanh nghiệp nơi bạn điều hành, thì bạn cũng đồng thời tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của bạn, một lợi thế rất khó chinh phục.
Trong Tổ chức Chủ tịch Trẻ với khoảng 30.000 thành viên ở 142 quốc gia nhưng đang quản lý hơn 10% GDP toàn cầu mà ông Tín đã tham gia được 14 năm nay, câu khẩu hiệu vẫn luôn được nhấn mạnh là “trở thành những nhà lãnh đạo tốt hơn qua trao đổi ý tưởng và học tập suốt đời”.
Hàng năm, ông Tín đều đi học với họ. Tổ học tập của ông năm nay tại đại học Harvard có tổ trưởng là một tỉ phú Hy Lạp đã gần 70 tuổi nhưng vẫn chuẩn bị các bài học của mình nghiêm túc như mọi người khác.
Để có thể cạnh tranh được với các doanh nhân như vậy, ông Tín nhấn mạnh, những người doanh nhân trẻ Việt Nam chỉ có thể lựa chọn bắt đầu bằng việc học.
Tất cả các tỉ phú, dù là người Việt Nam hay nước ngoài, đều đã từng là các doanh nhân trẻ. Rồi những người doanh nhân trẻ hôm nay sẽ trưởng thành, sẽ làm được những điều to tát cho chính họ và cho đất nước.
“Nhưng hãy luôn tạo và giữ được trong lòng mình một động lực thật lớn, mà với tôi là dẫn dắt một doanh nghiệp đại diện cho tiếng nói của hơn 96 triệu người Việt Nam chứ không nhất thiết phải là của riêng cá nhân hay gia đình mình. Hãy khai triển tối đa năng lực của mình không phải chỉ để giàu có cho cá nhân mình mà là mang lại sự giàu có cho người dân Việt Nam”, ông Tín nói.
( Nguồn: Tổng hợp)